Đúng như chủ đề “Xây dựng ASEAN đoàn kết, bao trùm và tự cường trong một thế giới biến động”, AFF 2025 đã trải qua hai ngày thảo luận sôi nổi, đưa ra nhiều khuyến nghị và sáng kiến thiết thực xoay quanh đoàn kết, vai trò trung tâm và tự cường. Từ đó, góp phần trả lời cho câu hỏi ASEAN phải thích ứng ra sao, đổi mới thế nào trước những “cơn gió ngược”, cùng nhau vững bước về phía tương lai.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu tại Phiên toàn thể cấp cao Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025, ngày 26/2
Tham dự, chỉ đạo trong cả hai ngày của Diễn
đàn Tương lai ASEAN (AFF) 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thể hiện rõ
niềm vui khi Diễn đàn được hiện thực hóa từ sáng kiến một năm trước tiếp tục
“lên sóng”, với sự tham gia ở quy mô lớn hơn, cấp cao hơn và lan tỏa hơn.
Diễn đàn năm nay có sự hiện diện của Tổng
thống Timor-Leste; Thủ tướng Malaysia, Chủ tịch ASEAN 2025; Thủ tướng New
Zealand; Tổng thư ký ASEAN; cùng thông điệp ghi hình của Thủ tướng Thái Lan,
Chủ tịch Ủy ban châu Âu và Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc; trên 10 Phó Thủ
tướng, Bộ trưởng các nước tham dự trực tiếp hoặc gửi thông điệp ghi hình, 160
đại biểu ngoại giao đoàn và 230 đại biểu trong nước. Đây thực sự là những “con
số biết nói”, thể hiện sự quan tâm, hưởng ứng của các quốc gia thành viên ASEAN
cũng như bạn bè quốc tế đối với AFF 2025.
Trong thách thức có cơ hội để tỏa sáng
Bầu không khí lo ngại về tình hình thế giới
bao trùm các diễn đàn đa phương thời gian qua, và AFF 2025 cũng không ngoại lệ.
Tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng nhiều lãnh đạo khu vực, thế giới
đều nhấn mạnh tính phức tạp của cục diện toàn cầu.
“Thế giới đang phải đối mặt với nhiều vấn đề
mang tính toàn cầu, toàn dân, toàn diện, diễn biến nhanh hơn, phức tạp hơn, khó
lường hơn”, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra tại phiên khai mạc AFF 2025.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cảnh báo thế
giới đang ở “điểm uốn” địa chính trị với nhiều hệ lụy, trong khi Phó Tổng thư
ký Liên hợp quốc Amina J. Mohammed nhấn mạnh: “Không thể quay lại con đường cũ,
giải pháp của quá khứ không còn đủ sức đáp ứng các vấn đề hiện tại”.
Tuy nhiên, bất chấp những thách thức, ASEAN vẫn kiên định con đường của mình, được nhiều lãnh đạo và chuyên gia ví như “ngọn hải đăng” của hy vọng và hòa bình. Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon đánh giá Đông Nam Á là một trong những khu vực ấn tượng, năng động nhất thế giới. Tổng thống Timor-Leste Jose Ramos Horta bày tỏ ngưỡng mộ trước nỗ lực vươn lên của ASEAN, nơi các quốc gia luôn hỗ trợ nhau, không để ai bị bỏ lại phía sau.
“Chúng tôi cam kết là thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, bao trùm, tự cường, cùng nhau hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đến năm 2045 vì lợi ích của mọi người dân trong khu vực, cùng các nước thành viên, đối tác và bạn bè quốc tế viết tiếp những trang sử mới đầy tự hào trong hành trình phát triển của ASEAN”. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính |
Trong bối cảnh đầy biến động, ASEAN có cơ hội
tỏa sáng theo cách riêng. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định các “bài toán
khó” cũng mở ra cơ hội khẳng định vị thế. Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho
rằng ASEAN có thể lan tỏa câu chuyện thành công của mình.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh
Sơn, Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra, Phó Thủ tướng Lào Saleumxay
Kommasith và Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn, đều nhấn mạnh rằng hành trang để
ASEAN bứt phá là tinh thần đoàn kết, bao trùm và tự cường. “Nếu như đoàn kết là
điểm mạnh lớn nhất của ASEAN, thì kiên cường là lời kêu gọi hành động, ứng phó
với những bất ổn toàn cầu”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
Ba ưu tiên chiến lược, ba đột phá hành động
“Thời cơ như gió, không đợi người” – nếu ASEAN
không chủ động nắm bắt, cơ hội có thể vuột mất. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn
mạnh, ASEAN cần tư duy đột phá, chiến lược sắc bén, hành động quyết liệt.
Trước ngưỡng cửa mới, Thủ tướng đề xuất ba ưu
tiên chiến lược. Thứ nhất, củng cố ASEAN tự chủ về chiến lược thông qua tăng
cường đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN. Thứ hai, xây dựng một ASEAN tự
cường về kinh tế thông qua đổi mới các động lực tăng trưởng truyền thống, đồng
thời thúc đẩy động lực tăng trưởng mới, nhất là về khoa học công nghệ, đổi mới
sáng tạo và chuyển đổi số. Thứ ba, giữ vững giá trị và bản sắc của ASEAN như
tinh thần hài hòa, thống nhất trong đa dạng, và tôn trọng sự khác biệt.
Ba đột phá hành động bao gồm: Một là, xây dựng cơ chế ra quyết định linh hoạt, hiệu quả, trách nhiệm hơn, bảo đảm vừa giữ nguyên tắc đồng thuận, vừa có cơ chế đặc thù cho các sáng kiến chiến lược tạo đột phá. Hai là, đẩy mạnh hợp tác công-tư để huy động mọi nguồn lực cho phát triển khu vực, nhất là các dự án trọng điểm; phát triển môi trường kinh tế số thông minh, an toàn để phục vụ thương mại, đầu tư trong ASEAN. Ba là, tăng cường kết nối trong ASEAN, nhất là về kết nối hạ tầng, về giao lưu nhân dân, và hài hòa hóa về thể chế cho thông thoáng.
“Trong hai ngày vừa qua, chúng ta đã có một diễn đàn hết sức thành công. Đặc biệt, so với năm 2024, có thể nói là thành công vang dội hơn rất nhiều. Tôi cho rằng diễn đàn năm nay đã có sự phát triển vượt bậc về cả lượng và chất”. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam Đỗ Hùng Việt |
Tại AFF 2025, các lãnh đạo và chuyên gia khu
vực khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN là chìa khóa giúp khu vực đóng góp
nhiều hơn vào hòa bình, ổn định thế giới. Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, với
vai trò trung tâm, ASEAN không chỉ tham gia mà phải góp phần dẫn dắt “cuộc
chơi” để đích đến cuối cùng là hòa bình và hạnh phúc cho người dân. ASEAN hoàn
toàn có cơ sở để thực hiện mong muốn này dựa trên nền tảng quan hệ đối tác với
25 quốc gia trên thế giới, trong đó có sáu quốc gia Đối tác chiến lược toàn diện
đều là các nước lớn.
Ông Kavi Chongkittavorn, nghiên cứu viên cao
cấp Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Thái Lan, đề xuất ASEAN xuất khẩu vai
trò trung tâm ra thế giới, biến Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác Đông Nam Á (TAC)
thành mô hình toàn cầu. ASEAN có thể thiết lập luật chơi, xây dựng cộng đồng
vững chắc, linh hoạt, sẵn sàng đương đầu với thách thức.
Nhiều đại diện từ các đối tác ASEAN, như Bộ
trưởng Ngoại giao Nhật Bản Iwaya Takeshi, Bộ trưởng Ngoại giao Anh David Lammy
hay Quốc vụ khanh Ấn Độ Kirti Vardhan Singh, đều khẳng định ASEAN đang trở
thành “đầu tàu” hợp tác trong một thế giới ngày càng phân mảnh, với bản sắc
trung lập và vai trò cầu nối giữa các quốc gia, kể cả những nước có bất đồng.
“Cái tên” truyền cảm hứng
Chương trình nghị sự AFF 2025 có lẽ không thể
đong đếm bằng thời gian cơ học, nhiều câu chuyện, vấn đề của ASEAN đã được phân
tích, mổ xẻ sôi nổi. Vậy nhưng, đâu đó, nổi bật giữa các trao đổi là cái tên
Việt Nam, được nhắc tới, nhấn mạnh với sự trân trọng và gửi gắm không ít kỳ
vọng.
Thủ tướng Anwar Ibrahim xúc động chia sẻ “mối
duyên” của ông với Việt Nam, tình cảm với cá nhân Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Theo nhà lãnh đạo Malaysia, Việt Nam là câu chuyện phát triển thành công đáng
ngưỡng mộ, là minh chứng cho hành trình vươn lên từ nghèo khó.
Trong khi đó, Tổng thống Jose Ramos Horta
khẳng định hành trình của Việt Nam là nguồn cảm hứng đối với Timor-Leste, đồng
thời trân trọng mọi sự ủng hộ của Việt Nam đối với đất nước ông trong các giai
đoạn phát triển.
Đặc biệt, các nhà lãnh đạo, chuyên gia, học giả đánh giá cao sức lan tỏa mạnh mẽ của AFF, mặc dù mới chỉ là “mùa thứ hai”. Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra cho rằng Diễn đàn “đến đúng lúc và sẽ là chất xúc tác hữu ích cho cuộc đối thoại về tương lai của ASEAN”; trong khi Phó Thủ tướng Lào Saleumxay Kommasith đánh giá AFF góp phần đưa ra những khuyến nghị thực tiễn và ý tưởng giá trị để hỗ trợ việc triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 một cách hiệu quả.
Chia sẻ với phóng viên TG&VN bên lề AFF 2025, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang
Vinh nhận định, cả hai kỳ Diễn đàn đều có sự tham dự cấp cao của nước Chủ tịch
ASEAN, đặc biệt lần thứ hai còn quy tụ nhiều lãnh đạo cấp cao từ nhiều quốc
gia. Trong trao đổi với đồng nghiệp và bạn bè suốt hai ngày sự kiện, ông cho
biết các đại biểu đánh giá cao sự chủ động của Việt Nam và khẳng định vị thế
vững chắc của Việt Nam trong khu vực – yếu tố quan trọng thu hút họ đến tham dự
AFF.
AFF 2025 thành công tốt đẹp để lại dấu ấn mạnh
mẽ trong lòng người tham dự. “Tôi tin tưởng rằng Diễn đàn sẽ thực sự trở thành
một vườn ươm ý tưởng sáng tạo hàng đầu cho tương lai khu vực. Hãy rời Diễn đàn
hôm nay với quyết tâm mạnh mẽ hơn để xây dựng một ASEAN đoàn kết, bao trùm và
vững mạnh – không chỉ cho hiện tại, mà còn cho các thế hệ mai sau”, Phó Thủ
tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn kết lại trong phiên bế mạc trong
những tràng pháo tay không ngớt vang khắp hội trường.