Chính sách đối ngoại mới: Vượt lên chủ nghĩa Ngoại lệ
A New Foreign Policy: Beyond Exceptionalism
Tác giả: Jeffrey David Sachs (chủ biên)
Nhà xuất bản: Columbia University Press
Thời gian xuất bản: Tháng 10/2018
Giáo sư Jeffrey D. Sachs là một nhà kinh tế học và nhà phân tích chính sách công của Mỹ, hiện đang giảng dạy tại trường Đại học Columbia. Ông cũng là một người đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển bền vững, người giữ chức Cố vấn đặc biệt cho Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres kiêm Giám đốc Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc. Jeffrey Sachs là một tác giả bán chạy nhất New York Times với hai cuốn The Age of Sustainable Development (2015) và Building the New American Economy: Smart, Fair, and Sustainable (2017). Sau đó một năm, ấn phẩm A New Foreign Policy: Beyond Exceptionalism được xuất bản vào tháng 10 năm 2018, có độ dài 253 trang với 4 phần nội dung lớn được chia làm 19 chương nhỏ.
Chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ – American Exceptionalism
Chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ xuất phát từ việc người Mỹ luôn coi đất nước mình là biểu tượng của “sự xuất chúng, ngoại lệ”. Sự ngoại lệ ấy cho rằng người Mỹ bản địa siêu đẳng hơn các dân tộc khác, tách biệt nước này với thế giới và tự coi mô hình của Mỹ là mô hình tiêu biểu mà các nước khác cần noi theo. Tổng thống Hoa Kỳ thứ 40, Ronald Reagan, đã đặc biệt mô tả nước Mỹ như “một thành phố trên đỉnh đồi” (the shining city on the hill), nhấn mạnh ý tưởng tự coi Mỹ tách biệt với thế giới, mang sứ mệnh đặc biệt bởi nước Mỹ là một quốc gia “ngoại lệ”. Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, người Mỹ tặng mình danh hiệu “số một giữa các quốc gia” – First among equals – rồi kể từ đó, chính sách đối ngoại của Mỹ dưới chính quyền Clinton, sau là chính quyền Bush II, đều có chung mục tiêu duy trì vai trò siêu cường duy nhất của Mỹ, đưa Mỹ lên vị trí lãnh đạo của thế giới và thúc đẩy “giá trị Mỹ” rộng khắp toàn cầu nhằm thu lại lợi ích cho đất nước họ. Tư duy theo chủ nghĩa ngoại lệ không chỉ được thể hiện qua nhận định của các đời Tổng thống, nó còn bám rễ trong các giá trị lịch sử, văn hóa và truyền thống tôn giáo của Mỹ và tiếp tục tồn tại cho tới ngày nay. Hành vi “ngoại lệ” kiểu Mỹ khiến nước này luôn mang ý chí bảo vệ quyền lực kinh tế, quân sự và ảnh hưởng chính trị một cách mãnh liệt, cho dù điều đó đồng nghĩa với việc không ngần ngại vi phạm hay rút khỏi những cơ chế đa phương, luật chơi chung một khi chúng đụng chạm đến quyền lợi của họ.
Quan điểm của Jeffrey David Sachs về “chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ”
Thông qua cuốn sách A New Foreign Policy: Beyond Exceptionalism, Jeffrey Sachs khẳng định rằng chủ nghĩa ngoại lệ là một thứ tư tưởng lạc hậu đang chi phối các quyết sách của Mỹ, và chủ trương “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump chính là một biến thể mang đậm tính dân túy và phân biệt chủng tộc của chủ nghĩa này. Chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ xuất phát từ việc người Mỹ luôn coi đất nước mình là biểu tượng của “sự xuất chúng, ngoại lệ”. Sự ngoại lệ ấy cho rằng người Mỹ bản địa siêu đẳng hơn các dân tộc khác, tách biệt nước này với thế giới và tự coi mô hình của Mỹ là mô hình tiêu biểu mà các nước khác cần noi theo.
Trong thế kỷ 21, khi mà các nước có xu hướng chung tay xây dựng nền hòa bình và thịnh vượng chung hướng tới sự phát triển cân bằng, bền vững thì cách tiếp cận của chính sách đối ngoại Mỹ lại đi ngược lại những giá trị mà cộng đồng quốc tế đang theo đuổi. Sachs lý luận rằng thay vì tiếp tục áp dụng chính sách gây bất lợi cả cho thế giới và cho chính bản thân nước Mỹ như hiện nay, chính quyền của vị Tổng thống tiếp theo nên thực hiện một chính sách đối ngoại mới, ưu tiên việc hợp tác bền vững nhằm đối phó với các vấn đề toàn cầu cấp bách như biến đổi khí hậu hay suy giảm đa dạng sinh học.
Chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Trump – theo Jeffrey Sachs – chính là một biến thể mới của học thuyết ngoại lệ truyền thống, có chăng chỉ khác bởi cách tiếp cận mang đậm tính bảo hộ, phân biệt sắc tộc và tính bài ngoại hơn. Tác giả khẳng định chính sách này là một sai lầm khi cho rằng mặc dù Mỹ rút khỏi những quy ước, hiệp định của Liên Hợp quốc, phá vỡ những nguyên tắc của các hiệp định thương mại nhưng Mỹ vẫn giữ được vị thế hàng đầu về quân sự và tầm ảnh hưởng toàn cầu.
Đối với Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS) và Chiến lược Quốc phòng Quốc gia (NDS), Sachs cho rằng NSS đã vẽ nên một bức tranh quá u ám và bi quan, còn mục tiêu “duy trì vị thế quốc phòng ưu việt” của NDS thì mang đậm màu sắc của chủ nghĩa ngoại lệ. Tác giả không phủ nhận rằng thế giới hiện nay còn nhiều bất ổn như cuộc chiến kéo dài tại Syria, khủng hoảng nhập cư tại Châu Âu, ISIS, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên,..v..v.. Tuy nhiên ông cho rằng hiện nay có rất nhiều triển vọng hợp tác giữa các quốc gia và đây mới là điều đáng quan tâm hơn cả. Sachs lập luận rằng Mỹ nên tận dụng nguồn lực kinh tế, quyền lực và vai trò của mình để thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia với nhau thay vì liên tục can thiệp vào các vấn đề thể chế, nội bộ của các nước và thường xuyên vi phạm các quy tắc, chuẩn mực quốc tế. Đối với Nga và Trung Quốc, tác giả cho rằng thay vì tiếp tục áp dụng những chính sách cứng rắn, Washington nên điều chỉnh, tăng cường hợp tác và tránh đối đầu với hai quốc gia này – một cách tiếp cận chỉ có thể thành công khi loại trừ chủ nghĩa ngoại lệ.
Khuyến nghị của Sachs đối với chính sách đối ngoại của Mỹ trong bối cảnh hiện nay
Sachs đưa ra quan điểm về chính sách đối ngoại mới của Mỹ một cách thực tế và gắn với bối cảnh hiện nay nước Mỹ, đặc biệt tác giả không cho rằng chính sách đối ngoại của Mỹ phải là xây dựng nước Mỹ hùng mạnh nhất hay giàu có nhất trên thế giới. Mục đích của chính sách đối ngoại Mỹ nên là xây dựng an ninh cho nước Mỹ để đảm bảo người Mỹ được hạnh phúc và giúp đỡ thế giới còn lại.
Để đem lại an ninh thực sự cho nước Mỹ và sự thịnh vượng cho người dân Mỹ, Sachs đưa ra bộ luận điểm gồm 10 nội dung, trong đó Mỹ cần:
1) làm theo Hiến chương của Liên Hợp Quốc vì Liên Hợp Quốc vẫn là tổ chức đem lại nhiều hy vọng nhất cho giải quyết xung đột và những vấn đề toàn cầu;
2) tái cam kết với mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và Hiệp định Khí hậu Paris. SDGs và Hiệp định Khí hậu Paris là những hiệp định quan trọng để thúc đẩy hợp tác kinh tế toàn cầu trong những năm tới;
3) Tăng ngân sách Liên Hợp Quốc. Hàng năm Mỹ đóng 600 triệu đô cho ngân sách của Liên Hợp Quốc. Mỹ và các nước cần tăng sự đóng góp ngân sách cho Liên Hợp Quốc bởi Liên Hợp Quốc là tổ chức toàn cầu hiệu quả nhất giải quyết những vấn đề sức khỏe trẻ em (UNICEF), các bệnh thảm hỏa (Tổ chức Y tế Thế giới), nạn đói (Tổ chức Lương thực thế giới), phong trào tị nạn (Cao Ủy Liên hợp Quốc về người tị nạn);
4) Phê chuẩn các hiệp ước đang còn dang dở của Liên Hợp Quốc. Mặc dù là thành viên sáng lập Liên Hợp Quốc, Mỹ là nước cô độc nhất thế giới hiện nay. Số lượng hiệp ước chưa được phê chuẩn ngày một tăng kể cả các hiệp ước về phụ nữ, trẻ em, những người tàn tật, luật biển, đa dạng sinh học. Mỹ là nước duy nhất trong 193 nước của Liên Hợp Quốc rút lui khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Sự cô lập của Mỹ sẽ làm hại danh tiếng, giảm khả năng giải quyết toàn cầu của Mỹ và xói mòn chủ nghĩa đa phương;
5) lấy lại đà và xung lượng của Mỹ trong các giải giáp vũ khí hạt nhân. Mỹ và tất cả các cường quốc hạt nhân khác buộc phải tuân theo Hiệp ước Chống Phổ biến Vũ khí hạt nhân để tăng cường niềm tin trong đàm phán;
6) hợp tác về công nghệ mới;
7) tìm ra cách giải quyết vấn đề Trung Đông;
8) chấm dứt hoạt động quân sự bí mật của CIA;
9) xem xét lại ngân sách để đảm bảo chi tiêu hợp lý: cắt giảm chi tiêu quân sự Mỹ, và tăng ngân sách cho các chương trình dân sự trong nước;
10) thúc đẩy chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ một cách thực tế: cụ thể là chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ không nằm trong sức mạnh quân sự, các hoạt động của CIA, từ các Hiệp ước của Liên Hợp Quốc mà ở sự đa dạng văn hóa và dân tộc của chính nước Mỹ. Sự cởi mở của nước Mỹ đối với người nhập cư đã đem tới năng lượng và ý tưởng mới cho nước Mỹ và sự lạc quan với mọi thế hệ. Thành công của nước Mỹ sẽ phụ thuộc vào chính sách đối ngoại trong đó đưa nước Mỹ trở thành ngôi nhà được chào đón bởi các quốc gia trên thế giới.
Cuốn sách này cho thấy sự nghiên cứu và kiến thức nền sâu rộng của tác giả từ các vấn đề lịch sử, kinh tế, đến an ninh, xã hội với lối viết dễ hiểu, rành mạch. Về tổng thể, tác giả muốn truyền tải thông điệp rằng đã đến lúc Mỹ cần bỏ chủ nghĩa ngoại lệ – yếu tố kìm hãm sự phát triển- nếu như nước này tiếp tục bị chi phối và làm ngơ trước những nỗ lực hợp tác toàn cầu mà đáng lẽ rất cần được đầu tư; hoặc nhìn nhận chủ nghĩa ngoại lệ theo hướng mở trong đó yếu tố đa dạng văn hóa và dân tộc là cốt lõi.
Trong cuốn sách, từ khóa “Việt Nam” được nhắc khá nhiều nhưng hầu hết là được sử dụng như ví dụ cho thời chiến. Tuy nhiên, từ những điều Jeffrey Sachs đã chia sẻ, có thể nhận thấy bốn điểm nổi bật có thể có liên hệ tới Việt Nam như sau:
Thứ nhất, nội bộ chính trị Mỹ đang có sự phân cực ngày càng sâu sắc. Những phân tích của tác giả về chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ và sự ảnh hưởng của nó đã phản ánh mấu chốt phân hóa nền chính trị Mỹ: tư tưởng và bản sắc, danh tính (identity). Dựa trên nền tảng đó, có hai phe tranh luận về chiến lược lớn (grand strategy) trong tương lai của Mỹ. Một bên cho rằng việc duy trì vị trí lãnh đạo vẫn là cần thiết đối với nền hòa bình, thịnh vượng và dân chủ toàn cầu, và Mỹ cần mở rộng cam kết quân sự ở nước ngoài hơn nữa. Bên còn lại thì lập luận rằng Mỹ nên xác định và thu hẹp ưu tiên cho lợi ích quốc gia, giảm cam kết quân sự toàn cầu và tái lập ngoại giao là công cụ chính của chính sách đối ngoại. Từ hai hướng tranh luận đó, Việt Nam cần tiếp tục theo dõi diễn biến, xu hướng và làm tốt công tác dự báo về tình hình nội bộ, đối sách của Mỹ đối với thế giới để có thể chủ động, kịp thời ứng phó với những động thái mới của quốc gia này.
Thứ hai, tác động đến từ cá nhân Tổng thống Trump và sự tiếp diễn của chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ. Nếu Trump nắm quyền thêm một nhiệm kỳ nữa thành sự thật thì có lẽ 10 bước khuyến nghị của Jeffrey Sachs sẽ không thể sớm được áp dụng, bởi tác giả đã nhận định “không có hy vọng với chính quyền Trump”. Trong thời gian tới, Việt Nam cũng cần chuẩn bị những phương án cho chính sách đối ngoại với Mỹ để ứng phó với những biến đổi, thăng trầm khó đoán đến từ nội bộ chính trị Mỹ và đến từ chính cá nhân Trump, đặc biệt đối với những vấn đề còn tiềm ẩn khả năng gây bất lợi như thâm hụt thương mại, ý thức hệ hay diễn biến hòa bình.
Thứ ba, xu hướng phát triển bền vững, cách mạng 4.0 và hợp tác vì những vấn đề toàn cầu được nhấn mạnh rất nhiều lần trong cuốn sách này. Có thể thấy rằng không có một quốc gia nào có thể đứng ngoài dòng chảy thế giới hiện nay và Việt Nam cũng vậy. Sự tác động của những xu hướng trên với an ninh, xã hội và kinh tế Việt Nam hiện rất mạnh mẽ và sẽ còn tiếp tục tăng thêm trong những năm tới. Điều quan trọng là trên cơ sở đặc thù, các quốc gia phải biết khai thác, tận dụng xu thế phát triển, tích cực tận dụng cuộc cách mạng công nghệ-kỹ thuật để hiện đại hơn, từng bước tiếp cận và đạt đến trình độ cao của thế giới.
Thứ tư, với tư cách là thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An tại Liên Hợp Quốc (2020-2021), những vấn đề mà Sachs đề cập trong cuốn sách như: tăng ngân sách của Liên Hợp Quốc (huy động các nước đóng góp thêm ngân sách cho Liên Hợp Quốc dựa trên GDP và nguồn hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ, tổ chức nhân đạo quốc tế, các doanh nghiệp, cá nhân); thực sự thúc đẩy vai trò của Liên Hợp Quốc (cải cách Hội Đồng Bảo An Liên Hợp quốc không phải chỉ có 5P, tăng tiếng nói hơn nữa cho các nước vừa và nhỏ trong các vấn đề an ninh chính trị); thúc đẩy chủ nghĩa quốc tế đa phương trên quy mô khu vực và toàn cầu có thể là những gợi ý cho Việt Nam trong thời gian đảm nhận tư cách là thành viên không thường trực của Liên Hợp Quốc (2020-2021).