Trong bài phát biểu khai mạc, Tiến sĩ Vũ Lê Thái Hoàng nhận định chuỗi cung ứng đang chịu tác động đáng kể từ biến động địa chính trị và địa kinh tế thế giới. Các yếu tố như cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc, đại dịch Covid-19 và xu hướng tự chủ chiến lược cũng như an ninh hóa kinh tế đã và đang dẫn tới sự thay đổi trong cách các quốc gia tiếp cận chuỗi cung ứng. Là một nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam cần nắm bắt các xu hướng chuyển dịch và thực hiện tái cấu trúc chuỗi cung ứng để có khả năng đương đầu thách thức và tận dụng cơ hội.
Các diễn giả đã trình bày và thảo luận về tình hình, đặc điểm và xu hướng chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như những cơ hội, thách thức và giải pháp cho Việt Nam trong bối cảnh mới. PGS.TS. Đặng Hoàng Linh, Trưởng Khoa Kinh tế quốc tế, Học viện Ngoại giao, đã phân tích nội hàm của cạnh tranh Mỹ - Trung và ảnh hưởng của nó tới sự phân tách mạnh mẽ của hệ thống sản xuất toàn cầu. Dự đoán về xu hướng trong tương lai, PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược ngoại giao nhận định chuỗi cung ứng sẽ được điều chỉnh theo hướng linh hoạt, dễ thích nghi, ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy thương mại điện tử minh bạch và luôn gắn liền với xu hướng phát triển bền vững. Trong đó, nhấn mạnh việc mạng lưới sản xuất khu vực sẽ gia tăng; toàn cầu hóa dịch vụ phát triển và Trung Quốc vẫn là công xưởng sản xuất của kinh tế toàn cầu.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Kinh tế tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) phân tích nhiều khía cạnh kỹ thuật trong tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, và đề xuất các khuyến nghị nhằm nâng cao vị thế Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Bao gồm việc tận dụng các FTA như một bàn đạp để tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu, xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực tham gia chuỗi cung ứng, tạo thuận lợi thương mại và tận dụng hiệu quả nguồn vốn và chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn.
Tại phiên thảo luận, các ý kiến tập trung trao đổi về vai trò của ngành Ngoại giao trong tận dụng các cơ hội mới từ xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu. Cụ thể, Bộ Ngoại giao cần tiếp tục tận dụng mạng lưới các Cơ quan đại diện nước ngoài, tạo điều kiện duy trì các đối thoại Kênh II nhằm xây dựng lòng tin và tạo môi trường trao đổi, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, cũng như góp phần nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và địa phương. Cuộc Tọa đàm đã ghi nhận nhiều nhận định từ các góc nhìn đa chiều đối với chuỗi cung ứng toàn cầu và những khuyến nghị có giá trị khoa học và thực tiễn đối với Việt Nam.