Sáng ngày 11/7/2023, Học viện Ngoại giao đã phối hợp với Hiệp hội Nghiên cứu Quốc tế Hàn Quốc (KAIS) tổ chức Tọa đàm “Hướng tới Hợp tác Chiến lược Việt - Hàn tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Về phía Việt Nam, Tọa đàm có sự tham dự của đại diện một số đơn vị thuộc Học viện Ngoại giao và Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Tiến sĩ Vũ Lê Thái Hoàng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao và Tiến sĩ Woo Jung Yeop, Vụ trưởng Vụ Chiến lược, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đồng chủ trì Tọa đàm. Về phía Hàn Quốc, Đoàn KAIS gồm các học giả đến từ Học viện Ngoại giao Hàn Quốc, Viện Kinh tế Quốc tế, Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc và đại diện Đại sứ quán Hàn Quốc tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, TS. Vũ Lê Thái Hoàng hân hạnh chào mừng Đoàn KAIS đến thăm và làm việc với Học viện Ngoại giao. Đây là lần đầu tiên Học viện Ngoại giao và Hiệp hội KAIS hợp tác đồng tổ chức Tọa đàm khoa học. TS. Vũ Lê Thái Hoàng cũng bày tỏ niềm vui mừng khi quan hệ song phương Việt Nam - Hàn Quốc gần đây có những bước phát triển quan trọng sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện, gần đây nhất là chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đến Việt Nam tháng 6/2023 đã đạt được những kết quả thực chất. Việt Nam hiện là điều phối viên quan hệ ASEAN-Hàn Quốc giai đoạn 2021-2024 và sẽ tiếp tục tích cực hỗ trợ thúc đẩy nâng tầm quan hệ ASEAN - Hàn Quốc lên Đối tác chiến lược toàn diện trong thời gian tới.
Bối cảnh quốc tế hiện nay đang đặt ra những thách thức lớn cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Để ứng phó với các thách thức đó, hầu hết các nước trong khu vực, đặc biệt là các quốc gia tầm trung như Hàn Quốc, đang lựa chọn tăng cường tự chủ chiến lược và thúc đẩy hợp tác đa dạng. Việt Nam cũng tiếp tục duy trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ đối ngoại. Tọa đàm “Hướng tới Hợp tác Chiến lược Việt - Hàn ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” lần này là cơ hội để các bên cùng trao đổi, nhìn nhận, đánh giá về an ninh khu vực hiện nay, tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc và tăng cường hợp tác giữa hai nước nhằm đóng góp vào hòa bình, thịnh vượng của khu vực.
Tại Phiên 1 với chủ đề: “Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hàn Quốc và Hợp tác chiến lược toàn diện Hàn Quốc - Việt Nam tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, các đại biểu đã chia sẻ quan điểm về các sáng kiến, chiến lược phát triển của Hàn Quốc và các nước trong khu vực, đồng thời tìm hiểu các cách thức tăng cường hợp tác chiến lược toàn diện Hàn Quốc - Việt Nam trong thời gian tới.
Tiến sĩ Cho Wondeuk, Khoa Nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương, Học viện Ngoại giao Hàn Quốc cho biết gần đây chính phủ Hàn Quốc đã công bố "Sáng kiến đoàn kết Hàn Quốc - ASEAN (KASI)", một cấu phần cốt lõi trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hàn Quốc. Sáng kiến này tái khẳng định ASEAN là một đối tác quan trọng vì hòa bình và thịnh vượng chung của khu vực cũng như góp phần tăng cường hợp tác ASEAN - Hàn Quốc. Tiến sĩ Lee Su Jin, Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc cho rằng Sáng kiến Đoàn kết Hàn Quốc-ASEAN (KASI) sẽ giúp bổ sung, tăng cường hiện thực hóa Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (AOIP).
Tại phiên 2 “Hợp tác an ninh kinh tế Việt - Hàn ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, về hợp tác song phương, Tiến sĩ KWAK Sungil, Giám đốc Trung tâm Chiến lược An ninh và Kinh tế, Viện Chính sách Kinh tế Quốc tế Hàn Quốc (KIEP) cho biết cho biết quan hệ song phương Việt - Hàn đã phát triển mạnh mẽ trong 3 thập kỷ qua và đạt được những thành tựu quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Thay vì chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu và hàng hóa thô, Việt Nam nên tập trung vào các ngành công nghiệp có giá trị xuất khẩu cao hơn, nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó góp phần thúc đẩy quan hệ Việt - Hàn. TS. Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Quản lý Trung ương (CIEM) nhận định trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, Việt Nam và Hàn Quốc nên tập trung nâng cao khả năng phục hồi và sức chống chịu của nền kinh tế. Hai bên cần thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như điện tử, công nghệ bán dẫn, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Về hợp tác đa phương, Tiến sĩ Phạm Thị Mai Anh, Giảng viên Khoa Kinh tế Quốc tế, Học viện Ngoại giao cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục đóng vai trò tích cực trong việc kiến tạo cấu trúc kinh tế - thương mại khu vực và toàn cầu, tham gia sâu hơn vào các liên kết kinh tế tại WTO, ASEAN, APEC, Tiểu vùng sông Mê Công. Trên cơ sở đó, Tiến sĩ Choi Bo Young, Trợ lý Giáo sư, Đại học Quốc gia Kyungpook nhận định Việt Nam và Hàn Quốc cần thúc đẩy hợp tác trong các cơ chế đa phương, tiểu đa phương mà hai nước cùng tham gia như RCEP, IPEF, Tiểu vùng sông Mê Công, …
Tọa đàm diễn ra trong không khí thẳng thắn, cởi mở. Các đại biểu đều bày tỏ sự lạc quan về triển vọng quan hệ song phương Việt – Hàn và những bước tiến mới trong quan hệ ASEAN – Hàn Quốc. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, góp phần triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt - Hàn trong thời gian tới.