Sáng ngày 26/11/2024, tại khách sạn Pan Pacific đã diễn ra Tọa đàm "Dự báo chiều hướng chính sách kinh tế của chính quyền mới tại Mỹ và tác động đối với Việt Nam". Đại sứ Trịnh Minh Mạnh – Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao, chủ trì tọa đàm, với sự tham gia của đại diện Ban Đối ngoại Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, các trường đại học, viện nghiên cứu trong nước, cùng đại diện các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao và Học viện Ngoại giao.
Toàn cảnh tọa đàm. (Ảnh: Trang Anh)
Phát biểu khai mạc, Đại sứ Trịnh Minh Mạnh nhấn mạnh, trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump đặt ra nhiều vấn đề đáng lưu tâm đối với toàn cầu và khu vực. Đặc biệt, chính sách kinh tế của chính quyền “Trump 2.0” được đánh giá có ảnh hưởng sâu rộng đến các xu hướng phát triển kinh tế toàn cầu cũng như các quốc gia. Việc nghiên cứu, dự báo chiều hướng chính sách của chính quyền Trump có ý nghĩa quan trọng trong việc nhận diện kịp thời các cơ hội và thách thức, từ đó kiến nghị đối sách phù hợp cho Việt Nam.
Đại sứ Trịnh Minh Mạnh, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược chủ trì Toạ đàm. (Ảnh: Trang Anh)
Các diễn giả đã tập trung thảo luận xoay quanh ba chủ đề chính: chiều hướng chính sách kinh tế của chính quyền Donald Trump, các cơ hội và thách thức và hàm ý chính sách cho Việt Nam.
Trong phiên thứ nhất, các chuyên gia đã đánh giá những ưu tiên kinh tế và dự báo về chiều hướng chính sách của chính quyền Trump 2.0. Nhìn chung, các diễn giả nhận định với nền kinh tế Mỹ đang ngày càng đi theo xu hướng bảo hộ mạnh mẽ nhằm hiện thực hóa mục tiêu "làm nước Mỹ vĩ đại trở lại". Chính quyền Trump 2.0 được dự báo sẽ nhất quán về chiến lược nhưng linh hoạt và khó đoán định về các biện pháp cụ thể, mức độ và thời điểm triển khai chính sách.
Các diễn giả trình bày tham luận. (Ảnh: Trang Anh)
Tại phiên thứ hai, các diễn giả tập trung phân tích cơ hội, thách thức và đề xuất giải pháp chính sách cho Việt Nam. Về thách thức, Việt Nam phải đối mặt với một môi trường kinh tế thế giới nhiều biến động và khó đoán định hơn, xu hướng bảo hộ thương mại và những thách thức về thuế quan. Về cơ hội, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt – Mỹ là nền tảng vững chắc để phát triển quan hệ giữa hai nước. Bên cạnh đó , Việt Nam được nhận định có tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất mới nhờ lợi thế cạnh tranh và vị trí chiến lược. Bối cảnh mới cũng là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy cải cách, hoàn thiện thể chế, đổi mới sáng tạo và tăng cường kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu.
Đại sứ Nguyễn Quốc Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ phát biểu. (Ảnh: Trang Anh)
Phiên thảo luận kéo dài gần một giờ đã diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc từ các đại biểu tham dự. Các chuyên gia đã trao đổi về các định hướng chính sách giúp Việt Nam khai thác cơ hội và hoá giải thách thức, cả trước mắt cũng như lâu dài; nhấn mạnh tầm quan trọng của tư duy phát triển linh hoạt, tích cực, chủ động trong đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Tọa đàm kết thúc tốt đẹp, gợi mở các định hướng phát triển kinh tế của Việt Nam trước trước những biến động của kinh tế toàn cầu./.