Sáng ngày 13/10/2023, Học viện Ngoại giao Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm “Con đường hiện đại hoá của Trung Quốc và Việt Nam” với sự tham gia của đoàn đại biểu đến từ Học viện Ngoại giao Trung Quốc; các cán bộ, nghiên cứu viên của Học viện Ngoại giao Việt Nam; đại diện các Viện nghiên cứu và một số đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao. Giáo sư Cao Phi, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao Trung Quốc và Tiến sĩ Vũ Lê Thái Hoàng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược ngoại giao, Học viện Ngoại giao Việt Nam đồng chủ trì Tọa đàm.
TS. Vũ Lê Thái Hoàng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao (trái) và GS. Cao Phi, Phó Giám đốc, Học viện Ngoại giao Trung Quốc.
Trong phiên khai mạc, TS. Vũ Lê Thái Hoàng nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt của mối quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, đã được các thế hệ Lãnh đạo hai nước dày công vun đắp và đang phát triển sâu rộng, toàn diện. Hiện nay, hai nước trở thành những đối tác hàng đầu của nhau về kinh tế, thương mại đầu tư. Quan hệ tốt đẹp giữa hai nước có ý nghĩa quan trọng đối với hòa bình và ổn định của khu vực và trên thế giới. Giáo sư Cao Phi nhận định, quan hệ Việt Nam và Trung Quốc là mối quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện, vừa là đồng chí, vừa là anh em. Do có nhiều điểm tương đồng và lịch sử gắn bó lâu dài nên hai bên có sự thấu hiểu lẫn nhau sâu sắc hơn các mối quan hệ song phương khác.
Toàn cảnh Tọa đàm
Trong Phiên 1, các diễn giả đã trình bày về xu hướng
và bối cảnh quốc tế, trong đó có sự thay đổi về hệ thống và trật tự quốc tế, xu
hướng phát triển của các nước phương Nam, cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung và
xu hướng hội nhập kinh tế mới trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Các ý kiến
đều chia sẻ nhận định về sự vươn lên mạnh mẽ của Trung Quốc trong hơn 30 năm
qua, cùng với đó là cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng gay gắt, tác động nhiều mặt
đến cục diện thế giới và các quốc gia, nhất là các nước phương Nam.
Tại Phiên 2, Tọa đàm đã chia sẻ về con đường hiện đại hóa cũng như những giải pháp cụ thể theo kinh nghiệm của từng nước, bao gồm vấn đề hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, khoa học công nghệ... Điểm chung của hai nước là dưới sự Lãnh đạo tập trung của Đảng, quá trình cải cách kinh tế luôn được tiến hành song song với duy trì ổn định chính trị, xã hội, tạo ra nền tảng bền vững của tăng trưởng. Các học giả nhất trí hai nước cần tăng cường trao đổi ở tất cả các cấp, duy trì lòng tin chiến lược; đề xuất một số hướng ưu tiên hợp tác trong thời gian tới, tập trung vào cân bằng cán cân thương mại, ưu tiên thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực: kinh tế số, kinh tế xanh, thương mại biên giới.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Phiên thảo luận diễn ra sôi nổi, các ý kiến tập trung
trao đổi về các giải pháp giúp Việt Nam và Trung Quốc duy trì hợp tác hiệu quả
trong bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp, đồng thời gợi mở các lĩnh vực hợp
tác tiềm năng giữa hai bên.
Hai Trưởng đoàn nhất trí Tọa đàm lần này là bước khởi đầu cho chuỗi hoạt động giao lưu, trao đổi học thuật giữa Học viện Ngoại giao Việt Nam với Học viện Ngoại giao Trung Quốc cũng như các cơ quan, viện nghiên cứu của Trung Quốc.
Một số hình ảnh khác của Tọa đàm: