Sáng ngày 30/1/2024, Học viện Ngoại giao phối hợp với Học viện Ngoại giao Hàn Quốc tổ chức Đối thoại thường niên. Về phía Việt Nam, Đối thoại có sự tham dự của đại diện Lãnh đạo Học viện Ngoại giao, một số cán bộ nghiên cứu, giảng viên Học viện, đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao. Đại sứ Tiến sĩ Phạm Lan Dung, Q. Giám đốc Học viện Ngoại giao chủ trì Đối thoại. Phía Hàn Quốc có sự tham dự của Tiến sĩ Park Cheol Hee, Giám đốc KNDA cùng một số giáo sư, chuyên gia đến từ các Viện nghiên cứu thuộc KNDA và đại diện Đại sứ quán Hàn Quốc tại Hà Nội.
Toàn cảnh buổi đối thoại (Ảnh: Huyền Nguyễn)
Phát biểu khai mạc Đối thoại, Đại sứ Tiến sĩ Phạm Lan Dung, Q. Giám đốc Học viện Ngoại giao gửi lời chào và chúc mừng năm mới đến đoàn KNDA, khẳng định KNDA luôn là đối tác tin cậy của Học viện Ngoại giao, đồng thời đánh giá cao những nỗ lực của KNDA trong việc thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, ngoại giao kênh 2 và hoạch định chính sách giữa hai nước. TS. Phạm Lan Dung nhấn mạnh KNDA là đối tác đầu tiên đồng tổ chức Đối thoại thường niên với Học viện Ngoại giao trong nắm 2024. Đối thoại năm nay diễn ra trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến mới, phức tạp, tác động trực tiếp tới các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như Việt Nam và Hàn Quốc. Trong bối cảnh đó, các cơ quan nghiên cứu của Việt Nam và Hàn Quốc cần tích cực trao đổi nhận định, phân tích, đánh giá về môi trường chiến lược, từ đó kịp thời đưa ra những kiến nghị chính sách hợp lý. Mục tiêu Đối thoại thường niên năm nay hướng đến là những đánh giá toàn diện, chi tiết về bối cảnh thế giới, khu vực hiện tại, từ đó nhận diện những cơ hội, thách thức đối với Việt Nam, Hàn Quốc và phương hướng tăng cường quan hệ giữa hai nước.
Tiến sĩ Park Cheol Hee, Giám đốc Học viện Ngoại giao Hàn Quốc đánh giá cao nỗ lực của DAV và KNDA trong việc duy trì trao đổi thực chất về các vấn đề khu vực, quốc tế nổi bật. Tiến sĩ Park Cheol Hee cho rằng việc hai nước nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện năm 2022 là dấu mốc có ý nghĩa quan trọng. Việt Nam và Hàn Quốc cần tăng cường hợp tác đa lĩnh vực, thúc đẩy đối thoại và xây dựng lòng tin, đóng góp vào hòa bình, ổn định, thịnh vượng ở khu vực.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm (Ảnh: Huyền Nguyễn)
Trong phiên 1 với chủ đề “Bối cảnh chiến lược khu vực và vai trò của các nước tầm trung”, các đại biểu nhận định khu vực có nhiều biến động khó lường, các quốc gia cần tăng cường hợp tác, củng cố các cơ chế đối thoại, nâng cao vai trò của luật pháp quốc tế nhằm duy trì hòa bình, ổn định. Các nước lớn như Trung Quốc và Mỹ vẫn có vai trò quan trọng trong việc quản lý căng thẳng và xử lý các thách thức trong khu vực như vấn đề Đài Loan, vấn đề Triều Tiên,... Các quốc gia tầm trung trong khu vực cần hợp tác và ứng xử phù hợp với các nước lớn để chủ động ngăn ngừa các nguy cơ an ninh và thu hút nguồn lực phát triển.
Tại phiên 2 với chủ đề “Tăng cường hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc và ASEAN – Hàn Quốc trong thời gian tới”, quan hệ chính trị Việt Nam – Hàn Quốc và ASEAN – Hàn Quốc ngày càng được củng cố, đi vào chiều sâu nhờ sự tin cậy chính trị ngày càng gia tăng. Để thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương sau khi nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện, Việt Nam và Hàn Quốc cần hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, thúc đẩy thương mại đầu tư và hợp tác công nghệ. Việt Nam sẽ tiếp tục là cầu nối tin cậy giữa Hàn Quốc với các nước ASEAN khác, đặc biệt là với Lào - Chủ tịch ASEAN năm nay. Với vai trò là điều phối viên quan hệ ASEAN – Hàn Quốc giai đoạn 2021-2024, Việt Nam đã tích cực hỗ trợ Hàn Quốc nâng cấp quan hệ với ASEAN lên Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2024. Các nước ASEAN và Hàn Quốc cần thúc đẩy trao đổi thông tin và hợp tác sâu rộng nhằm củng cố, tăng cường thực chất quan hệ ASEAN - Hàn Quốc.
Diễn
ra trong bầu không khí cởi mở, thẳng thắn, Đối thoại một lần nữa khẳng định sự
tin tưởng và quan hệ hợp tác hiệu quả giữa Học viện Ngoại giao hai nước. Các đại
biểu đều bày tỏ mong muốn quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc tiếp tục phát triển sâu rộng
hơn nữa, đem lại những lợi ích thiết thực và lâu dài cho người dân hai nước./.